NGÀNH THÉP CHƯA THỂ KHỞI SẮC
07/08/2023
Mặc dù nhiều chuyên gia nhận định tình hình cuối năm có thể khởi sắc với ngành thép, tuy nhiên, cầu tại thị trường nước ngoài chưa cải thiện, sức tiêu thụ nội địa vẫn yếu, tình hình hoạt động của hàng loạt DN trong ngành đối mặt với khó khăn.
Tình hình khó khăn chung của nền kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến
ngành thép Việt Nam. Ảnh: Ngọc Hiền
Tiêu thụ gần như tắc nghẽn
Đà giảm của giá thép xây dựng trong nước từ đầu năm đến nay đã trải qua khoảng 15 lần, ngay cả khi trong mùa cao điểm xây dựng, với lần điều chỉnh gần nhất là vào ngày 22/7 vừa qua. Hiện giá thép cuộn CB240 và thanh vằn D10 CB300 chỉ dao động khoảng 13.000 - 14.200 đồng/kg.
Đà giảm giá thép có thể đến từ nhiều lý do như: giá nguyên liệu đầu vào than và quặng đã "giảm nhiệt"... nhưng nhu cầu nội địa thấp không được cải thiện nhiều dẫn tới DN ngành này gần như "đóng băng" sản xuất, giảm hàng tồn kho. Điều này chứng minh bằng việc sản lượng bán hàng các loại thép cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 6/2023, sản xuất thép thô đạt 1,47 triệu tấn, giảm 3,5% so với tháng trước và giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tiêu thụ thép thô đạt 1,37 triệu tấn, giảm 8% so với tháng trước và giảm 13,4% so với tháng 6/2022. Xuất khẩu thép thô tháng 6/2023 đạt 243.354 tấn, tăng 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, sản xuất đạt 9 triệu tấn, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022. Tiêu thụ đạt 9 triệu tấn, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu thép thô đạt 940.000 tấn, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2022.
Đối với thép xây dựng, sản lượng sản xuất đạt 738.200 tấn, giảm 9,1% so với tháng trước và giảm 20,1% so với tháng 6/2022. Bán hàng đạt 874.400 tấn, giảm 5,73% so với tháng trước và giảm 14,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu thép xây dựng đạt 149.600 tấn, giảm 21,5% so với tháng 6/2022.
Là một trong những DN thép có thị phần lớn nhất, Tập đoàn Hòa Phát đã "xả kho" trong quý II, hàng tồn kho của công ty là 32.261 tỷ đồng, giảm 7% so với thời điểm cuối quý I và thấp hơn 50% so với cùng kỳ. Đây là mức thấp nhất kể từ quý I/2021 đến nay. Đại diện Tập đoàn cho biết, trong bối cảnh nhu cầu thị trường trong và ngoài nước còn yếu, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất 2,86 triệu tấn thép thô, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 2,9 triệu tấn, giảm 27% so với 6 tháng đầu năm 2022.
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Nhìn nhận về ngành thép, theo đại diện Trung tâm Tin tức hàng hóa Việt Nam đánh giá, theo chiều hướng tích cực, việc sắt thép duy trì ở mặt bằng giá thấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DN xây dựng nâng cao biên lợi nhuận trước thuế. Đồng thời tích lũy hàng tồn kho giá rẻ trước khi bước sang mùa tiêu thụ cao điểm hơn, dự báo sẽ vào giai đoạn cuối năm.
Bên cạnh đó, sự tăng trưởng của các hoạt động đầu tư công và cơ sở hạ tầng sẽ góp phần giải quyết bài toán đầu ra, tạo điều kiện thuận lợi để ngành sắt thép trong nước tăng trưởng. Những khó khăn được kỳ vọng sẽ giảm bớt trong giai đoạn cuối năm, đặc biệt là vào quý IV, bởi đây là giai đoạn nhu cầu tăng cao khi các công trình xây dựng gấp rút đẩy nhanh tiến độ.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành đều nhận định, tình trạng sụt giảm sản xuất và tiêu thụ đến từ các dự án bất động sản trên phạm vi cả nước - nơi tiêu thụ khoảng 60% lượng sắt thép, hầu như bị đóng băng. Các dự án dở dang thì không tiếp tục hoàn thiện, dự án mới không triển khai thêm. Cùng với đó, Thông tư 06/2023/TT-NHNN cũng khiến DN ngành bất động sản khó tiếp cận vốn, dẫn đến khó triển khai được các dự án. Khó khăn về tài chính, quy định siết chặt thị trường bất động sản sẽ làm ảnh hưởng đến nhiều ngành khác, trong đó có vật liệu xây dựng.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Nguyễn Thế Điệp chia sẻ, nhiều đơn vị thiếu dòng tiền, cắt giảm nhân sự, giảm lương và đóng cửa văn phòng. Bất động sản phải duy trì ổn định, lành mạnh nhưng nay trầm lắng sẽ rất nguy hiểm, tác động tiêu cực cho nền kinh tế của đất nước.
"Thị trường bất động sản gặp khó sẽ tác động đến hầu hết các ngành, nghề, từ xây dựng cho đến vật liệu xây dựng, vận chuyển... kéo tăng trưởng kinh tế đi xuống. Vấn đề này cần phải sớm có điều chỉnh, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn" - ông Nguyễn Thế Điệp cho hay.
Trong bối cảnh ảm đạm của thị trường bất động sản và xây dựng dân dụng hiện tại, DN trông chờ vào các dự án đầu tư công khi mới đây, 8 hội, hiệp hội vật liệu xây dựng kiến nghị Chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư công để đạt 95 - 100% của kế hoạch năm 2023.
Đồng thời chú trọng khơi thông dòng vốn cho bất động sản, nhất là bất động sản công nghiệp, nhà ở và khẩn trương đơn giản thủ tục cho gói 120.000 tỷ để người dân được vay vốn kịp thời. Cùng với đó, giảm thuế VAT 2% đến năm 2024; giảm thuế đất hết năm 2023 và cho nợ thuế đất hết năm 2024 cũng như hoàn thuế xuất nhập khẩu kịp thời.
Mới đây, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã gửi đơn kiến nghị đến Thủ tướng, Bộ Công Thương, Bộ KH&CN đề xuất xem xét xây dựng hàng rào kỹ thuật cho các sản phẩm thép sản xuất trong nước và nhập khẩu khi đây là mặt hàng có lượng nhập khẩu lớn, là ngành công nghiệp cốt lõi, xương sống.
Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị